Hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT

Với nhiều lợi thế sẵn có về vị trí địa lý cùng sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà, những năm gần đây các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phát triển khá mạnh mẽ.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 15 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.847 ha (trong đó đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng diện tích 5.961 ha, đạt 87,06%); 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư  với tổng vốn đầu tư 865 triệu USD, trong đó, có 09 KCN đang triển khai xây dựng và đi vào hoạt động với vốn đầu tư hạ tầng đăng ký 516,37 triệu USD; cho thuê 1.217,67 ha đất công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch đạt 58,16% (1.217ha/2.093ha), tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt 75,38% (1.217ha/1.615ha).

Luỹ kế đến hết tháng 5/2012, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 550 dự án còn hiệu lực (275 dự án FDI) và 562 Giấy chứng nhận điều chỉnh (355 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.357,23 triệu USD (3.209,69 triệu USD là dự án FDI). Tính đến hết tháng 5/2012, có 278 doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động (128 doanh nghiệp trong nước và 150 doanh nghiệp nước ngoài), trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong KCN đã đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 127.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 5,5 triệu USD, nhập khẩu 4,3 triệu USD, nộp ngân sách 1.315 tỷ đồng, sử dụng 95.000 lao động.

Từ thực tiễn quản lý các KCN trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh nhận thấy các cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước về KCN, KKT tuy có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển các KCN, KKT, song bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần phải xem xét, điều chỉnh, cụ thể: Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 có điểm mới là tăng mức đền bù và mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB); Nghị định 24/2007/NĐ-CP về thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mức ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế xuất khi đầu tư vào KCN; Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 14/2008/QH12 quy định từ ngày 01/01/2009 doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư vào KCN, KCX không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (lĩnh vực ưu đãi đầu tư và Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng cho KCN, KCX như Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007).

Từ năm 2005, thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả khả quan và tăng dần theo từng năm, từ 235 triệu USD năm 2005 tăng lên 312 triệu USD năm 2006, đạt 457 triệu USD vào năm 2007, và năm 2008 đạt kết quả cao nhất với 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, tác động của các Nghị định trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thu hút, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Năm 2009, thu hút đầu tư vào tỉnh giảm chỉ còn 312 triệu USD, chỉ bằng 25% so với năm 2008.

Trước tình hình đó, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: ban hành văn bản quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến các tầng lớp nhân dân, tăng cường đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng KCN thực hiện đền bù GPMB và xây dựng hạ tầng KCN. Đổi mới trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư, trọng tâm là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp vệ tinh của các nhà đầu tư lớn đã đầu tư vào tỉnh như SamSung Electronics Việt Nam và Canon. Từ sự nỗ lực đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đã tăng trưởng trở lại vào năm 2010 và 2011 với kết quả thu hút đầu tư lần lượt đạt 495 triệu USD và 668 triệu USD.

Để chính sách về phát triển các KCN, KKT thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho sự nghiệp phát triển các KCN, KKT, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và các Nghị định hướng dẫn thi hành để các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp; đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ và đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Thứ hai, sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm “bằng tiền từ 1,5 lần đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ đất nông nghiệp bị thu hồi” cho phù hợp với thực tế ở một số địa phương.

Thứ ba, Sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP Quy định về KCN, KCX và KKT phù hợp với tình hình thực tế; đề nghị ban hành Luật về KCN, KKT, KCX.

Ngô Sỹ Bích - Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh

 

 

gia cong co khi | chế tạo cơ khí | cơ khí chính xác | công ty cơ khí | băng tải | giá để hàng | giá kệ | kệ đa năng | tủ dụng cụ | đồ gá | jig | bàn thao tác | cty cơ khí | xe goong | máy đóng gói | máy lật cuộn | máy cấp liệu |